Cung Thiếu nhi Hà Nội là một trong những công trình hiện đại xuất sắc của Việt Nam, ra đời trong một bối cảnh lịch sử đặc thù và hết sức khó khăn. Để nhìn nhận được thấu đáo ý nghĩa và giá trị của công trình kiến trúc này, chúng ta cần đặt nó trong bối cảnh ra đời đặc biệt lúc bấy giờ, khi Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi chiến tranh và đang dốc toàn lực cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đồng thời vươn lên khẳng định trí tuệ và năng lực của mình trong công cuộc kiến tạo đất nước; mà KIẾN TRÚC luôn là một “công cụ” biểu đạt tuyệt vời.
Trong bối cảnh lịch sử ấy, Cung thiếu nhi Hà Nội có thể nói là một công trình có ý nghĩa về nhiều mặt.
Ý nghĩa xã hội của công trình cung thiếu nhi:
Ý nghĩa kiến trúc:
Công trình là một tác phẩm kiến trúc nổi trội và tài tình, là sự “tự khẳng định” của nền kiến trúc hiện đại Việt nam. Quần thể công trình gồm Nhà hành chính (là một biệt thự cổ thời Pháp đã tồn tại từ trước trên mảnh đất), Nhà chức năng chính, và rạp Khăn quàng đỏ.
Một số đặc điểm kiến trúc chính, nổi trội của Khối nhà chức năng như sau:
Ngôn ngữ hình khối của công trình hiện đại, đơn giản, bố cục chặt chẽ, thoát ly hoàn toàn khỏi ngôn ngữ kiến trúc thuộc địa pháp cổ, hay những xu hướng kiến trúc trước đó. Công trình gần như để thoáng nhiều ở tầng 1, đưa không gian bên ngoài vào sảnh chính rộng rãi; Những cầu thang lớn ngoài trời dẫn lên một sảnh rộng ở tầng 2 không có tường bao che, tạo ra những không gian vui chơi dạng terrace vừa trong nhà (in-door) vừa ngoài trời (out-door) cho trẻ em, vô cùng thú vị và cuốn hút. Mặt bằng các tầng được giải quyết khác nhau trên cùng một hệ kết cấu chung, đảm bảo thích ứng với các yêu cầu sử dụng khác nhau của các câu lạc bộ.
Về kết cấu và vật liệu, hệ kết cấu công trình chính là khung bê tông cốt thép, tường gạch; có sử dụng dàn thép đối với công trình nhà hát (rạp Khăn quàng đỏ). Công trình tận dụng mọi vật liệu sẵn có tại địa phương, kể cả vật liệu đá đã hỏng trong chiến tranh, gạch, ngói thừa của các công trình xây dựng khác trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn của chiến tranh.
Một số đặc điểm thú vị khác của công trình như: Có sự kết hợp kiến trúc với trang trí nghệ thuật mosaic gốm trên cột, tranh tường, tranh kính; có sự kết nối khéo léo và tinh tế giữa kiến trúc mới (khối nhà chính) và công trình kiến trúc Pháp cổ (khối hành chính) thông qua một hành lang cầu phía sau sảnh chơi terrace đã được kể trên. Cung được Tiệp khắc giúp đỡ về thiết bị và đồ chơi, trong đó có chiếc thang máy; và đây cũng là công trình được lắp đặt thang máy đầu tiên ở Hà Nội (nếu không kể thang máy do người Pháp lắp đặt tại KS Metropole vào đầu thế kỷ đã sớm hư hỏng).
Về Rạp Khăn quàng đỏ, công trình này cũng là một kiến trúc chứa đựng nhiều câu chuyện thú vị. Đây là nhà hát được thiết kế tỉ mỉ và phức tạp nhất thời bấy giờ với 520 ghế. KTS Lê Văn Lân - tatacsgiar công trình Cung thiếu nhi Hà Nội đã nghiên cứu hàng trăm mẫu nhà hát khác nhau trên thế giới để thiết kế rạp Khăn quàng đỏ này. Rạp đòi hỏi phải có hầm trú ẩn tránh bom, một trong những yêu cầu khó khăn nhưng rất cấp thiết thời bấy giờ. Sân khấu rạp có hố nhạc (dưới hố nhạc có không gian ắp đặt thiết bị nâng hạ sàn hố nhạc (nhưng thực tế thời kỳ đó do hoàn cảnh kinh tế chưa có điều kiện lắp đặt để sử dụng), có buồng đèn rọi ở hai bên trước sân khấu và dàn đèn phía trên trần trước sân khấu, có cầu trình diễn trước sân khấu, có buồng hóa trang, tẩy trang, kho đạo cụ.
Hơn 40 năm qua, công trình này thực sự là thế giới văn hoá tuổi thơ đúng nghĩa của rất rất nhiều thế hệ thiếu niên nhi đồng của Hà Nội. Nhiều thế hệ văn nghệ sỹ của Việt Nam (các ca sỹ, họa sỹ, diễn viên nổi tiếng) đã trưởng thành và lớn lên từ cái nôi nghệ thuật này: ca sĩ Thanh Lam, ca sĩ Hồng Nhung đều từng là những ngôi sao ca nhạc thiếu nhi của cung. Hình ảnh, không gian và ký ức về Cung Thiếu nhi, một cách vô thức đã trở thành một phần ký ức Hà Nội trong lòng người Hà Nội. Chính điều giản đơn này lại là yếu tố tạo nên ‘hồn nơi chốn’ và ‘bản sắc’ của một thành phố.
Nguồn: Sưu tầm
Bài viết liên quan