Thứ năm, 01/06/2023
Ngôn ngữ: Tiếng Việt

Kênh doanh nghiệp / / Tour khám phá lịch sử: Hãy ngắm nhìn Hà Nội bằng con mắt tinh tường và hoài cổ!

Tour khám phá lịch sử: Hãy ngắm nhìn Hà Nội bằng con mắt tinh tường và hoài cổ!

Phố xá dường như đang vương vấn những giọt nắng thu cuối cùng. Đông sang, trời sáng và những cơn gió như rõ rệt hơn, khiến người ta phải xuýt xoa, vội mặc thêm chiếc áo khoác mỏng rồi bước ra đường. Nhưng thời tiết này, nếu bạn chưa từng thử một lần thả nhẹ bước chân, lẫn mình vào dòng người trên khu phố cổ Hà Nội, dạo ra những di tích đậm chất lịch sử, nhuốm màu thời gian, thì thật đáng tiếc…

Phố cổ không chỉ có hồ Hoàn Kiếm…

Nhiều người cho rằng chỉ cần khám phá quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, cầm một cốc trà trên tay, quan sát những hàng liễu rủ, cảm nhận được sự yên bình chảy trôi là đã phần nào thưởng được cái tâm, cái hồn của khu phố cổ.  

Thế nhưng, phố cổ không chỉ có hồ Hoàn Kiếm hay những con phố ven hồ. Khám phá phố cổ, hãy khám phá cả các di tích lịch sử. Chẳng phải ai cũng biết được hết về gốc gác của những di tích này. Người ta chỉ biết từ lúc sinh ra, biết nhận thức được vẻ đẹp này, thì những di tích ấy đã tồn tại. Bằng một cách nào đó, chúng đã góp công làm chứng tích cho lịch sử và giai thoại về quận Hoàn Kiếm, giúp mảnh đấy này như giàu màu sắc văn hóa hơn.  

Phố cổ không chỉ có hồ Hoàn Kiếm…

Khám phá di tích lịch sử, cần dùng con mắt tinh tường và hoài cổ…

Đầu tiên, hãy hướng ánh mắt ra hồ Gươm. Quần thể di tích hấp dẫn, đa dạng và giàu màu sắc văn hóa đã khiến khu vực này trở nên linh thiêng và hoài cổ hơn trong mắt người Hà Nội. Đền Ngọc Sơn đã rất nhiều lần thay đổi tên và diện mạo.  

Ngọc Tượng Sơn là tên gọi từ thời Lý, thời Trần. Trải qua thời Lê, đến thời Nguyễn, từ việc chùa Ngọc Sơn được xây lên để thờ Phật đến việc chuyển thành thờ Văn Xương Đế Quân và Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Tới năm 1865, đền Ngọc Sơn được xây dựng lại với diện mạo đặc sắc như ngày nay mà nhân dân Hà Nội vẫn thưởng lãm với tháp Bút vươn cao viết lên nền trời xanh ngắt, đài Nghiên vững chãi, cầu Thê Húc đỏ son sắt cong cong, điểm xuyết lầu Đắc Nguyệt và đình Trấn Ba.

Đền Ngọc Sơn

Lướt ánh mắt qua cầu Thê Húc, đối diện đền Ngọc Sơn là đền Bà Kiệu. Đền được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng để thờ phụng ba vị nữ thần, tên chữ là “Thiên Tiên Điện”. Với những hàng cột đá trong kiến trúc và hai cây đa cổ thụ rợp bóng đứng sát bên Đền như hai người bảo vệ thần bí, tất cả đã đem lại sự cổ kính, độc đáo của kiến trúc văn hoá Việt đến nơi đây. Chẳng vậy mà mỗi tối khi phố xá lên đèn, nam thanh nữ tú lại thường xuyên được trông thấy tạo dáng chụp ảnh bên cạnh hai kiến trúc này.

Ở phía Đông Bắc hồ Hoàn Kiếm là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nổi tiếng cùng đài phun nước biểu tượng, nơi diễn ra hầu hết mọi sự kiện văn hoá nghệ thuật nổi tiếng chốn bờ Hồ ví như các buổi Countdown chào năm mới. Quảng trường có tên cũ là Palace Négrier (Quảng trường Tướng Négrier) vào thời Pháp thuộc. Tiếp thu tư tưởng “hồn ái quốc” đề cao tự do, độc lập của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, quảng trường vẫn luôn được giữ là nơi rộng rãi thoáng đãng phần lớn số ngày trong tuần và trở thành địa điểm tập trung đông nam thanh nữ tú hội tụ nhộn nhịp, tự do vui chơi mỗi cuối tuần.

Bên bờ phía Tây Nam của hồ tồn tại khu di tích tượng đài Vua Lê. Gắn liền với truyền thuyết Vua ngự thuyền rồng trả gươm thần cho Rùa Vàng, mở ra nền thái bình thịnh trị, tượng Vua Lê được xây dựng thời nhà Nguyễn vẫn đứng trên đài đá cao uy nghiêm nhìn ra mặt hồ quanh năm màu lục.

Toạ tại bờ Nam hồ Hoàn Kiếm là tháp Hoà Phong, cũng là một địa điểm mỗi tối cuối tuần các thanh niên nam nữ hay lựa chọn để chụp ảnh check-in nơi trung tâm Hà Nội cổ kính, phồn hoa. Tháp Hoà Phong mang vẻ đẹp của người Hà Nội chính gốc đã hơn 200 năm, một vẻ đẹp mang màu rêu phong thời gian, cổ kính lặng lẽ bên hồ.

Tháp Hoà Phong mang vẻ đẹp của người Hà Nội chính gốc đã hơn 200 năm, một vẻ đẹp mang màu rêu phong thời gian, cổ kính lặng lẽ bên hồ.

Di tích nổi bật nhất bờ Hồ hẳn là tượng đài Vua Lý Thái Tổ, án ngữ ngay chính giữa vườn hoa Lý Thái Tổ, tượng đài Vua đứng trên đài bát giác tượng trưng cho tám hướng, phần trên đài cách điệu tứ trấn của Hà Nội. Hình ảnh Vua Lý Thái đổ trang nghiêm đầu đội mũ bình thiên, tay trái chỉ vào nơi định đô, tay phải cầm Chiếu dời đô luôn in sâu vào trí nhớ mỗi con người dạo bước quanh hồ. Cảm nhận tổng thể cảnh vật của khu tượng đài chỉ có thể miêu tả bằng cảm giác “thiên thời - địa lợi - nhân hoà”.

Hãy yêu Hà Nội, như cách người Hà Nội gốc vẫn làm…

Để hiểu hết quần thể di tích quanh bờ Hồ cần một trí tuệ có kiến thức, gu thưởng thức nhất định. Thường là những người con lâu năm của đất Hà Thành, đã gắn bó và yêu thương mảnh đất này quá lâu. Cách họ nhìn ngắm cảnh vật như luôn mang theo cảm xúc tự hào, nâng niu gìn giữ.

Hãy yêu Hà Nội, như cách người Hà Nội gốc vẫn làm…

Hà Nội vốn vẫn được ví như một mảnh đất đầy những thăng trầm, sâu lắng và cổ kính. Có những người, nhớ mảnh đất này chỉ nhờ món phở thơm thanh ngọt ngào, nhớ quán cà phê bên cạnh nhà thờ cổ kính, nhớ sự rêu phong tích tụ đan xen ồn ào nơi phố cổ. Thế nhưng, hãy đi sâu hơn một chút, để hiểu thêm về những giá trị văn hóa, giá trị thời gian – điều đã kiến tạo nên vẻ đẹp tuyệt vời của mảnh đất này…

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 18,230,102